Các nhà kinh tế học định nghĩa lạm phát là hiện tượng mãi lực (purchasing power) của đồng tiền giảm. Người Việt thường gọi nôm na là “vật giá leo thang”, ám chỉ giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao khiến với một lượng tiền không thay đổi, người tiêu dùng mua được ít hàng hóa hơn hoặc phải trả một giá cao hơn để hưởng cùng một dịch vụ.
Nguyên nhân gây ra lạm phát là khối lượng tiền được lưu hành trong dân tăng lên khi nhà nước phát hành thêm tiền do những nhu cầu cấp thiết (chiến tranh, nội chiến, thâm hụt ngân sách v.v…). Trong khi đó, số lượng hàng hoá không tăng khiến dân chúng sở hữu lượng tiền dư thừa sẽ tranh mua khiến giá cả tăng vọt.
Trên lý thuyết nếu mức tăng của lương và giá trị tài sản sở hữu lớn hơn mức tăng của giá, những tác dụng tiêu cực của lạm phát sẽ được loại trừ. Tuy nhiên, trên thực tế phần lớn trường hợp, khi lương tối thiểu tăng, thì chỉ số giá tiêu dùng tăng với tốc độ nhanh hơn rất nhiều.
Nhiều người ví lạm phát như loại thuế tồi tệ nhất, bởi vì phần lớn người dân không chú ý đến ảnh hưởng của nó. Thử tưởng tượng, bạn được tăng 4% lương nhưng lạm phát lại là 7%, bạn sẽ nghĩ mình giàu lên, nhưng thực chất bạn đang nghèo đi 3%.
Do đó, người tiêu dùng lẫn nhà đầu tư đều cần học cách bảo vệ mình trước lạm phát. Dưới đây là 3 cách mà các chuyên gia tài chính gợi ý cho bạn.
1. Đầu tư vào cổ phiếu
Bất chấp sự hoài nghi của phần đông dân số với cổ phiếu, sở hữu cổ phiếu là một cách tốt để bảo vệ tài sản của bạn trước lạm phát. Bạn có thể lập luận rằng: công ty cũng giống như cá nhân, nếu đầu tư không hợp lý, thì sẽ dẫn đến thua lỗ, và vì thế không thể tránh được hậu quả của lạm phát. Tuy nhiên, bản chất của vấn đề nằm ở chỗ công ty sẽ điều chỉnh giá bán theo mặt bằng giá chung, dẫn đến tăng lợi nhuận, và do đó, tăng giá trị cố phiếu.
Bởi vậy, nên mua cổ phiếu của những công ty mà họ có khả năng tăng giá trong thời kỳ diễn ra lạm phát, ví dụ công ty sản xuất và phân phối nhu yếu phẩm căn bản, gas, dầu, xăng,.. Bởi vì rõ ràng cơ chế điều chỉnh giá của những sản phẩm này linh động hơn rất nhiều so với các mặt hàng khác như máy tính hay ô tô chẳng hạn.
Nhưng chỉ tăng giá không là chưa đủ. Hãy nhớ rằng lạm phát dẫn đến giá tăng đồng loạt. Do đó, chi phí sản xuất tăng và rất có thể giá sản phẩm/ dịch vụ tăng cũng chỉ đủ để bù đắp phần tăng trong chi phí đầu vào. Điều đó giải thích tại sao cửa hàng thực phẩm có thể vẫn lỗ mặc dù họ đã tăng giá trong thời kỳ lạm phát.
Có quan điểm cho rằng, thay vào đó, nhà đầu tư nên tìm kiếm các công ty có chi phí sản xuất thấp. Ngoài ra người mua cổ phiếu cũng không nên đánh giá thấp giá trị của cổ tức trong thời kỳ lạm phát, vì chúng sẽ làm tăng lợi nhuận đầu tư của bạn
2. Đầu tư vào nhà đất.
Tại thời điểm nào thì đầu tư vào bất động sản, nếu được tiến hành khôn khéo đều là vụ đầu tư tốt về lâu dài. Vấn đề của bất động sản là ở chỗ, người ta thường đổi bán nhà cũ mua nhà mới để ở, và do đó thường không nhận ra giá trị đầu tư của nhà đất. Họ sẽ dễ dàng bán nhà cũ và mua nhà mới khi nhu cầu sống thay đổi. Trong khi đó, những nhà đầu tư kinh nghiệm đều biết cách tìm những trái ngon chưa chín trong bất động sản, và kiên nhẫn chờ đến khi trái chín muồi để thu hoạch. Họ hiểu quá trình này sẽ không diễn ra trong một vài tuần mà phải một vài năm hoặc thậm chí một thập kỉ.
Nếu bạn vay mua nhà với lãi suất cố định, khi lãi suất tăng, nghĩa là bạn phải trả món nợ trong tương lai ít hơn so với người vay sau bạn. Trong khi đó, giá nhà và đất trung bình luôn tăng cùng với thời gian. Trong giai đoạn điều chỉnh sau mỗi lần sốt đất, giá nhà đất có thể giảm,. nhưng trung bình, giá nhà sẽ có xu hướng tăng, và dập tắt ảnh hưởng của lạm phát.
Do đó, thay vì gửi tiền vào ngân hàng với lãi suất không đáng kể so với tốc độ lạm phát, ta nên cân nhắc đầu tư vào bất động sản.
3. Đầu tư vào bản thân.
Thật ra, cách tốt nhất để bảo vệ tài sản của bạn trước lạm phát hay bất kỳ rủi ro nào trong tương lai chính là đầu tư vào bản thân. Người tiêu tiền khôn ngoan hiểu rằng cách chống lại lạm phát đơn giản và hiệu quả nhất là tăng khả năng kiếm tiền.
Hãy bắt đầu bằng việc đầu tư vào giáo dục, để trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để cạnh tranh trong một môi trường làm việc ngày càng khốc liệt. Nó không chỉ bảo vệ bạn trước lạm phát mà cả suy thoái kinh tế và thất nghiệp nữa. Không phải ngẫu nhiên mà mức lương và khả năng kiếm việc thường tỉ lệ thuận với trình độ học vấn của người lao động.
Thùy Linh dịch theo the worldbank.